16 CÁCH CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG ĐÚNG CÁCH, HIỆU QUẢ VÀ KHỎE MẠNH

Chăm sóc răng miệng đúng cách có vai quan trọng trong duy trì một nụ cười rạng ngời và răng miệng chắc khỏe. Không chỉ trẻ nhỏ, cả người lớn cũng dễ bị sâu răng, các vấn đề về nướu và khoang miệng. Dưới đây là 16 cách chăm sóc răng miệng đúng cách và hiệu quả

Tại sao phải chăm sóc răng miệng đúng cách?

Chăm sóc răng miệng đúng cách giúp loại bỏ mảng bám và vi khuẩn tích tụ trong miệng hiệu quả, ngừa các vấn đề như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu. Đồng thời, giảm nguy cơ răng bị ố vàng do màu sắc từ thực phẩm hàng ngày. Một chế độ chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách mang đến những lợi ích sau đây:

  • Hàm răng trắng sáng và nụ cười rạng rỡ. (1)
  • Giảm mùi hôi miệng và hơi thở thơm mát tự tin.
  • Ngăn nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng.
  • Nhai thức ăn dễ dàng hơn.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh như viêm màng tim, bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm loét dạ dày và các bệnh về phổi.

 

Chăm sóc răng miệng đúng cách là một trong những việc làm quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn

Hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng khỏe mạnh

Một số cách vệ sinh răng miệng được bác sĩ chia sẻ như sau:

1. Tập thói quen vệ sinh răng miệng từ nhỏ

Khoảng 1/4 trẻ em có triệu chứng sâu răng khi bắt đầu đi học và nửa số trẻ từ 12 – 15 tuổi có lỗ sâu trên răng. Do đó, việc chăm sóc răng miệng đúng cách cần bắt đầu từ khi răng đầu tiên mọc, thường vào khoảng 6 tháng tuổi. Nên cho trẻ đánh răng bằng bàn chải mềm hoặc miếng gạc sạch ẩm. Khi trẻ đủ 2 tuổi, cho trẻ tự đánh răng dưới sự giám sát và hướng dẫn của người lớn. (2)

2. Trám phòng ngừa sâu răng

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết khi trám lớp bảo vệ mỏng lên bề mặt nhai của răng giúp ngừa sâu răng ở các khe và rãnh trên răng. Do đó, bạn cần trám răng theo chỉ định của nha sĩ để phòng ngừa sâu răng. (3)

3. Chải răng đúng cách 2 lần một ngày

3.1. Hướng dẫn chải răng chuẩn y khoa

  • Chải răng đúng cách ít nhất 2 lần mỗi ngày, sáng và tối trước khi đi ngủ khoảng 2 phút để loại bỏ mảng bám. (4)
  • Đánh răng một cách nhẹ nhàng theo chuyển động vòng tròn, bao gồm cả mặt trong, mặt ngoài của răng và cả vùng lưỡi.
  • Tập trung làm sạch răng ở vùng tiếp giáp răng – lợi.
Chải răng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày, sáng và tối trước khi đi ngủ khoảng 2 phút để loại bỏ mảng bám

3.2. Kỹ thuật chải răng đúng cách

  • Đặt bàn chải nghiêng 45 độ so với viền nướu, đảm bảo lông bàn chải tiếp xúc đều với cả răng và nướu. Dùng lực vừa đủ và chải nhẹ nhàng ở mặt ngoài của từng răng, di chuyển từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Xoay đầu bàn chải để lông bàn chải tiếp cận các kẽ răng, loại bỏ mảng bám và thức ăn.
  • Chải mặt trong của răng trên và răng dưới tương tự như mặt ngoài. Di chuyển lông bàn chải từ trên xuống hoặc xoay tròn.
  • Hướng lông bàn chải theo hướng mặt nhai của răng và di chuyển nhẹ nhàng từ trong ra ngoài khoảng 10 lần.

Lưu ý: Duy trì kỹ thuật chải răng đúng cách và thực hiện theo đúng hướng dẫn để đảm bảo vệ sinh răng miệng tốt nhất.

4. Sử dụng bàn chải phù hợp và đúng cách

  • Lựa chọn bàn chải có lông mềm hoặc các bàn chải theo gợi ý của bác sĩ nha khoa.
  • Thay đổi bàn chải khi lông bắt đầu gãy gập (không còn đứng thẳng) hoặc khi xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng. Bạn nên thay bàn chải sau mỗi 3 – 4 tháng. (5)
  • Không nên chia sẻ bàn chải với người khác và tránh sử dụng bàn chải cho mục đích khác ngoài việc đánh răng.
  • Rửa sạch bàn chải sau mỗi lần sử dụng, đặt ở môi trường thoáng đãng để không tiếp xúc với các vật dụng khác.

5. Sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride

Fluoride giúp ngừa sâu răng và thúc đẩy hình thành xương mới, thường có mặt trong các sản phẩm kem đánh răng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng chất này vì có thể gây đổi màu răng. Lượng kem đánh răng chứa Fluoride khuyên dùng theo từng độ tuổi như sau:

Tuổi Lượng kem đánh răng có chứa Fluoride
0 – 18 tháng Không nên sử dụng kem đánh răng, chỉ nên sử dụng nước sạch để súc miệng cho bé.
18 tháng – 6 tuổi Nên sử dụng một lượng kem đánh răng có chứa Fluoride nhỏ, tương đương với một hạt đậu xanh.
Trên 6 tuổi Sử dụng kem đánh răng chứa Fluoride theo hướng dẫn từ nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.

6. Dùng chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước hằng ngày

Tăm xỉa răng thông thường không hiệu quả trong việc loại bỏ thức ăn dư thừa từ kẽ răng và làm tổn thương nướu, chảy máu. Thay vào đó, sử dụng chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước hàng ngày giúp loại bỏ mảng bám ở kẽ răng và viền nướu, một cách hiệu quả hơn. Khi kẽ răng được làm sạch đúng cách, tình trạng kích thích nướu và viêm nhiễm sẽ giảm đáng kể.

7. Vệ sinh lưỡi thường xuyên

Các mảng bám không chỉ tích tụ trên răng mà còn bám trên bề mặt lưỡi, gây khó chịu và hơi thở có mùi hôi. Vì vậy, nên vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ cạo lưỡi hoặc bàn chải lưỡi.

8. Sử dụng nước súc miệng sau khi ăn và sau khi đánh răng

Ngoài việc đánh răng đúng cách và sử dụng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước kháng khuẩn giúp ngừa sâu răng và các bệnh về nướu. Nước súc miệng có 3 lợi ích sau:

  • Tái khoáng hóa cho răng.
  • Giảm axit trong miệng.
  • Làm sạch các khu vực khó chải, đặc biệt trong nướu và xung quanh nướu.

Súc miệng bằng nước kháng khuẩn sau khi ăn giúp làm sạch hiệu quả, đặc biệt với trẻ trên 12 tuổi hoặc người không sử dụng tăm nước và chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng. Ngoài ra, nhai kẹo cao su không đường sau mỗi bữa ăn làm tăng tiết nước bọt, giúp cân bằng axit và loại bỏ vi khuẩn trên bề mặt răng.

9. Khám răng định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm

Các chuyên gia khuyến nghị nên khám răng định kỳ 6 tháng/lần để loại bỏ mảng bám, cao răng và các vết ố vàng trên răng. Trong quá trình khám, nếu có sâu răng, bác sĩ sẽ điều trị ngay để tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Việc đến thăm nha sĩ định kỳ không chỉ giúp duy trì sức khỏe răng miệng mà còn ngừa các vấn đề răng miệng phức tạp trong tương lai.

10. Chế độ ăn lành mạnh giúp chăm sóc răng miệng

Chế độ ăn uống cân đối đóng vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe răng miệng và cơ thể. Vì vậy, nên thực hiện một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất bao gồm đạm, tinh bột, chất béo và vitamin để ngừa sâu răng và viêm nướu.

11. Ăn trái cây giòn và rau xanh

Các loại thực phẩm mềm và dính dễ gây ra mảng bám trên kẽ răng, làm tăng lượng axit sau một thời gian dài. Thay vào đó, người bệnh nên ăn các thực phẩm cứng, giòn như trái cây và rau củ để làm sạch răng và nướu.

12. Uống nhiều nước lọc

Uống nhiều nước lọc giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và thanh lọc cơ thể. Do đó, bạn nên thường xuyên uống nước sau mỗi bữa ăn để giảm lượng axit có trong thực phẩm và đồ uống, giảm thiểu tổn thương cho răng.

13. Không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng trà, cà phê

Hút thuốc lá không chỉ làm răng ố vàng mà còn gây ra các vấn đề về nướu và tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư vòm miệng. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng và sức khỏe hãy tránh hút thuốc lá. Ngoài ra, trà và cà phê cũng khiến răng ngả vàng hoặc xỉn màu. Vì vậy, bạn nên hạn chế và không dùng ống hút khi sử dụng.

Hút thuốc lá dễ làm răng bị ố vàng, gây các bệnh về nướu

14. Hạn chế sử dụng đồ ngọt là cách bảo vệ răng miệng hiệu quả

Khi ăn thức ăn hoặc đồ uống chứa đường, vi khuẩn trong miệng biến đổi đường thành axit và tấn công men răng trong khoảng 20 phút trở lên, làm mòn men răng và dẫn đến sâu răng. Do đó, bạn hạn chế đồ ngọt để giảm thiểu tổn thương men răng.

  • Nước ngọt, nước trái cây: Có axit cao làm men răng tổn thương.
  • Nước có gas có chứa carbon làm tăng axit trong miệng.
  • Kẹo dẻo bám dính trên bề mặt răng, dễ tích tụ mảng bám, dẫn đến sâu răng.

15. Mang dụng cụ bảo vệ hàm răng

Dụng cụ bảo vệ hàm dùng để bảo vệ răng miệng khỏi chấn thương khi tham gia các môn thể thao tiếp xúc như: bóng vợt, bóng đá, bóng rổ, trượt ván, thể dục dụng cụ,… Chúng giúp bảo vệ các mô mềm trong miệng và cả môi, má khỏi tổn thương do va chạm, đặc biệt với người đang sử dụng thiết bị chỉnh hình răng.

16. Niềng răng mọc lệch, khấp khểnh

Niềng răng một phương pháp chỉnh nha được sử dụng để điều chỉnh vị trí của răng mọc lệch hoặc khấp khểnh, nhằm cải thiện sự ổn định và chức năng của hàm răng. Niềng răng không chỉ giúp cải thiện vẻ ngoại hình mà còn cải thiện sức khỏe răng miệng. Qua quá trình điều chỉnh nha, răng miệng được vệ sinh dễ dàng hơn, tránh tích tụ mảng bám, ngừa sâu răng và viêm nướu.

Những sai lầm khi chăm sóc, vệ sinh răng miệng hàng ngày

Một số sai lầm khi chăm sóc, vệ sinh răng miệng hằng ngày cần lưu ý:

  • Uống nước ngọt không đường.
  • Sử dụng nước súc miệng nhiều lần trong ngày không tốt cho răng.
  • Đánh răng quá mạnh
  • Đánh răng trong khi tắm.
  • Sử dụng bàn chải lông cứng kết hợp với việc đánh răng quá mạnh không tốt cho răng.
  • Chỉ đến nha sĩ khi cảm thấy đau răng, sâu răng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *